1. Cơ sở pháp lý và yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định dựa trên hành vi khách quan là sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối có thể bao gồm việc đưa ra thông tin sai lệch, giả mạo danh tính hoặc tạo dựng các tình huống không có thật nhằm đánh lừa niềm tin của nạn nhân khiến họ tự nguyện giao tài sản. Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, hoặc dưới mức này nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt như gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả của hành vi là sự chuyển dịch tài sản từ nạn nhân sang người phạm tội hoặc bên thứ ba do người phạm tội chỉ định.
Về mặt chủ quan, tội này yêu cầu lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết thông tin mình đưa ra là gian dối và mong muốn muốn chiếm đoạt tài sản thông qua việc đánh lừa nạn nhân. Khung hình phạt cơ bản của tội lừa đảm chiếm đoạt tài sản dao động từ 06 tháng đến 03 năm tù, nhưng có thể lên đến 20 năm hoặc chung thân nếu gây thiệt hại đặc biệt lớn hoặc các tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, tái phạm nguy hiểm.
2. Thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Việt Nam
Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng được thực hiện bằng một số những phương thức, thủ đoạn như sau:
Thứ nhất, giả danh cơ quan nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng các ứng dụng cuộc gọi trên mạng Internet, mạng viễn thông giả danh là nhân viên cơ quan nhà nước liên hệ chủ thuê bao và thông báo có nợ các loại thuế, cước, phí dịch vụ hoặc có liên quan đến các vụ án đang điều tra, sau đó đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định để chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo sau đó chiếm đoạt.
Thứ hai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, Zalo (là những ứng dụng phổ biến trên nền tảng Internet) để kết bạn, làm quen và thông báo muốn gửi tiền hoặc quà có giá trị lớn sau đó yêu cầu nạn nhân phải nộp tiền cược vận chuyển, thuế, phí vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng lừa đảo chỉ định rồi chiếm đoạt. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lòng tin và tâm lý của nạn nhân là mong muốn sở hữu những món quà có giá trị mà không phải bỏ tiền ra để mua nên đã thực hiện hành vi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt. Ngoài ra, các đối tượng này còn lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của nạn nhân để nhắn tin, lừa bạn bè, người thân của chủ tài khoản nhằm chuyển tiền cho các đối tượng để chiếm đoạt.
Thứ ba, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua huy động đầu tư trên các sàn tiền ảo, tiền mã hóa. Các đối tượng tạo dựng website đầu tư tài chính, thương mại điện tử, đầu tư ngoại hối giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền ảo trong từng hệ thống. Đến khi số lượng người tham gia nhất định, số lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp, điều chỉnh lệnh của hệ thống hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
Thứ tư, sử dụng giấy tờ mang thông tin của chủ thuê bao khai báo mất và đề nghị cấp SIM mới, sau đó lấy SIM và thông tin, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Trường hợp thứ nhất, các đối tượng làm giả giấy tờ mang thông tin của chủ thuê bao, sau đó đến các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông để thông báo mất và làm lại SIM. Từ SIM đăng ký cấp lại, các đối tượng lấy mã OTP tại các dịch vụ đăng ký trực tuyến sau đó chuyển tiền và chiếm đoạt. Trường hợp thứ hai, các đối tượng sẽ tự xưng là “nhân viên” của các nhà mạng viễn thông gọi điện đến nạn nhân để hỗ trợ nâng cấp SIM 4G, 5G để sóng ổn định, không bị chập chờn… và chỉ vài thao tác làm theo hướng dẫn của “nhân viên” thì nạn nhân bị mất SIM và bị các đối tượng thực hiện các thao tác chiếm đoạt tài sản như trường hợp trên.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về nhóm tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tài chính, ngân hàng
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Giáng My - Công ty Luật TNHH H&M