0240.73088281
Logo

Quy định pháp luật về bảo hiểm hưu trí

Trong hệ thống bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí đóng vai trò quan trọng, là chính sách bảo hiểm xã hội dài hạn dùng để trả cho người lao động nói chung sau một thời gian làm việc. Ở Việt Nam, chế độ hưu trí luôn có vị trí quan trọng đặc biệt đối với người tham gia bảo hiểm xã hội. Nhu cầu về bảo hiểm xã hội ngày càng đa dạng hơn, số lượng người về hưu cũng ngày càng tăng thì đời sống của họ luôn luôn là mối quan tâm lớn của Đảng và nhà nước ta. Do đó đặt ra vấn đề là thực hiện bảo hiểm xã hội đối với người về hưu như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong thời kỳ đổi mới.

1. Quy định về chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng
1.1. Quy định về đối tượng hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng
Thứ nhất, đối với bảo hiểm hưu trí bắt buộc

Theo Khoản 1, Điều 2 và Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc bao gồm người lao động và người sử dụng lao động
Đối với người lao động là công dân Việt Nam, người lao động là công dân Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc bao gồm: (1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; (2) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; (3) Cán bộ, công chức, viên chức; (4) Công nhân quốc phòng công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu, Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn, học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phi; (5) Người đã làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Như vậy, với quy định này thì đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc khá phong phú, chiếm đại đa số người lao động tham gia vào quan hệ lao động. Đây là đối tượng có thời hạn làm việc ổn định, lâu dài nên việc quy định đổi tượng này là đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc là hợp lý, từ đó có thể đảm bảo được nguồn thu ổn định cho quỹ bảo hiểm hưu trí. Đặc biệt, việc bổ sung thêm đối tượng áp dụng hiện nay là công dân Việt Nam tham gia hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng góp phần ngăn chặn tình trạng người sử dụng lao động “lách” luật bằng cách ký rất nhiều những hợp đồng khác nhau với thời hạn dưới 03 tháng với người lao động nhằm né tránh nghĩa vụ đóng góp bảo hiểm xã hội của mình gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho bản thân họ và người lao động nhưng các đối tượng này lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo số liệu của bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016, đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, Ngành bảo hiểm xã hộ đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với số lượng lớn chủ hộ kinh doanh cá thể trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, có những trường hợp đã đóng gần 20 năm và đủ độ tuổi để được hưởng các chế độ hưu trí[1]. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng này không nằm trong phạm vi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và việc giải quyết các trường hợp đã tham gia 20 năm và đã đủ độ tuổi hưởng lương hưu gây ra sự khó khăn cho Nhà nước trong việc giải quyết chế độ hưu trí.

Đối với người sử dụng lao động[2], người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Việc quy định đối tượng tham gia đóng góp quỹ hưu trí bao gồm cả người sử dụng lao động không chỉ thể hiện rõ tính chất xã hội và tương trợ cộng đồng cao của quỹ mà còn góp phần phát triển quỹ hưu trí. Quỹ bảo hiểm xã hội tạo lập từ sự đóng góp của đông đảo người tham gia sẽ tạo nên nguồn lực tài chính lớn cho quỹ hưu trí bắt buộc trong khoảng thời gian dài, giúp cho việc chi trả được thực hiện một cách kịp thời, đảm bảo giải quyết nhanh chóng nhu cầu bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thứ hai, đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Căn cứ Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng  dẫn thi hành thì đối tượng  tham gia  chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện là  công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng  tham  gia  bảo hiểm xã hội  bắt  buộc  bao  gồm: (1) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời  hạn dưới  03 tháng (áp dụng trước ngày 01/01/2018; (2) Người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng (áp  dụng từ ngày  01/01/2018  trở đi); (3) Người  hoạt động  không  chuyên  trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố; (4) Người lao động giúp việc gia đình; (5) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; (6) Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Về mặt thực tiễn, quy định này sẽ đáp ứng được yêu cầu tham gia chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện của một bộ phận người lao động đã bước vào tuổi nghỉ hưu nhưng họ vẫn có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, bởi họ vẫn tiếp tục tìm kiếm việc làm không chính thức để bảo đảm cuộc sống, khi đó họ vẫn có điều kiện về thu nhập và có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật về chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện lại tỏ ra không hiệu quả trong việc thu hẹp khoảng trống bao phủ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến hết năm 2020, cả nước đã có 1,068 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - bằng khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó là từ các quy định pháp luật về quyền lợi dành cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn ít, không có các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn. Trong khi đó, các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn (chế độ ốm đau, chế độ thai sản) có ý nghĩa quan trọng, là những quyền lợi thiết yếu, sát sườn gắn với mỗi cá nhân, đặc biệt người lao động là lao động nữ ở cả khu vực chính thức và phi chính thức[3].

1.2, Quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng
Thứ nhất, đối với bảo hiểm hưu trí bắt buộc

(i) Đối với người lao động không bị suy giảm khả năng lao động
[4]
Đối với người lao động nói chung, người lao động nói chung được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; (2) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y Tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; (3) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; (4) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Đối với người lao động làm việc trong lực lượng vũ trang, người lao động làm việc trong lực lượng vũ trang được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật cơ yếu quy định khác và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; (2) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y Tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; (3) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Đối với lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường thị trấn, đối tượng này được hưởng lương hưu nếu đủ 55 tuổi và có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Đây là nhóm đối tượng có thực trạng thời gian công tác không được thường xuyên, ổn định như những nhóm đối tượng khác. Quy định này khuyến khích người lao động nữ tham gia công tác xã hội, thực hiện bình đẳng giới và ổn định xã hội tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính Phủ quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035”.
(ii) Đối với người lao động nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động[5]
Đối với người lao động nói chung, người lao động được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nói chung nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ 46 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và bị suy giảm khả năng từ 61% trở lên. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, năm đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; (2) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hộ trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (3) Người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y Tế ban hành.
Đối với người lao động làm việc trong lực lượng vũ trang, người lao động được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương nói chung khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; (2) Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y Tế ban hành, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Thực trạng hiện nay cho thấy, quy định thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm để có thể hưởng lương hưu đã gây ra nhiều khó khăn và cản trở khả năng nhận lương hưu của một số người do họ không đủ đáp ứng các điều kiện đóng bảo hiểm xã hội. Tính đến giữa năm 2023, số lượng người đáp ứng một trong hai điều kiện được hưởng lương hưu còn rất cao. Cụ thể, có khoảng 476.000 người được hưởng bảo hiểm xã hội một lần và đã tham gia đóng trong thời gian trên 10 năm và đạt độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Khoảng 53.000 người đến độ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đã chọn lựa việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Trên 20.000 người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đáp ứng thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội, vì vậy, họ phải bù đắp một khoản tiền để bảo đảm đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp, nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội đã đủ trên 20 năm
[6].

Thứ hai, đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, để được hưởng lương hưu thì người tham gia chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện phải đáp ứng 02 điều kiện như sau: (i) Độ tuổi nghỉ hưu; và (ii) Thời gian tham gia, đóng góp vào quỹ hưu trí là đủ 20 năm. Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021) đã quy định về việc tăng tuổi nghỉ hưu và đồng thời sửa đổi các quy định về độ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đổi với lao động nữ vào năm 2035.  Bắt đầu từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ
[7].

1.3. Quy định về mức hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hằng tháng
Thứ nhất, đối với người lao động nghỉ hưu thông thường
[8]
Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, mức lương hưu hằng tháng của người lao động nói chung được tính bằng 45% mức lương bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động nói chung được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm như sau: (1) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; (2) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động nam và nữ nêu trên được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Có thể thấy, để góp phần giúp người lao động có thời gian thích nghi với những quy định, những chính sách mới, giảm thiểu những tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu nên Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã chia cách tính tỷ lệ hưởng bảo hiểm hưu trí hằng tháng thành hai giai đoạn là năm 2016, 2017 và giai đoạn từ năm 2018 trở đi.


Thứ hai, đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi
Mức lương hưu hằng tháng đối với người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động được tính như đối với người lao động nói chung, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trước đây, theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, tỷ lệ giảm này chỉ là 1%. Việc tăng tỷ lệ giảm mức lương hưu trước tuổi theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ hạn chế hơn việc người lao động nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp không nhớ ngày, tháng của năm sinh thì lấy ngày 01/01 của năm sinh để tính.

Thứ ba, lao động nữ hoạt đông chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ điều kiện nghỉ hưu
Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng này bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
Bên cạnh đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.


2. Quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm hưu trí một lần
2.1, Quy định đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí một lần

Người lao động mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây[9]: (1) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc lao động nữ chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; (2) Ra nước ngoài để định cư; (3) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; (4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 06 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động quy định: “Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần”. Việc gia tăng những đối tượng được phép hưởng bảo hiểm hưu trí một lần như trên đã góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tạo điều kiện tối đa để người lao động có thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm hưu trí.
Bên cạnh đó, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được bảo đảm quyền lợi của người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, không muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa tìm được công việc mới hoặc chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay, Khi người lao động tìm được công việc mới hoặc không tham gia lao động nữa và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội được bảo lưu và tiếp tục tính để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.


2.2, Quy định mức hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí một lần
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính bằng
[10]: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội[11].
Việc pháp luật quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần là phù hợp với quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội vì bản thân họ là người đóng góp, tạo lập và sở hữu hợp pháp khoản tiền để bảo đảm lợi ích xã hội về hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất. Quy định này còn có thể giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt như thanh toán các khoản nợ, chi phí tài chính, chi trả sinh hoạt cho gia đình và bản thân và có thể có tiền để chăm sóc tuổi già[12]. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng cao theo các năm, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi đại dịch Covid-19 (2020 - 2021), con số này lên đến gần 01 triệu người. Điều này nếu xảy ra lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội gây sự thiếu hụt và tạo ra áp lực đối với cơ quan nhà nước trong việc quản lý. Trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2021, trên cả nước, hơn 04 triệu người lao động đã đề nghị và được giải quyết để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trung bình mỗi năm, khoảng 750 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần, trong đó 99% tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[13]. Số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần năm sau luôn vượt qua năm trước, với tốc độ tăng trung bình hàng năm khoảng 11%. Tỷ lệ người rút BHXH một lần so với số người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trung bình chiếm 4%. Thực trạng cho thấy, mỗi khi có 02 người tham gia bảo hiểm xã hội, thì có 01 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Lý do gây nên sự gia tăng số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần phát sinh từ vấn đề xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc thu hút, khuyến khích sự tham gia của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Cụ thể, quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để có thể hưởng lương hưu tương đối dài gây nên tình trạng một số lao động giảm động lực tham gia đóng góp; điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần tương đối đơn giản, với mức hưởng cao hơn so với mức đóng góp của người lao động.
Phùng Thu Phương - Công ty Luật TNHH H&M

[2] Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014
[3] Đỗ Thị Quỳnh Trang (2021), “Chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn số 49/2021
[4] Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
[5] Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
[6] ThS. Đinh Lê Oanh, ThS. Lê Hồ Trung Hiếu, SV. Nguyễn Thảo Vi (2023), “Hoàn thiện các quy định về chế độ hưu trí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật kỳ 2 (Số 393)
[7] Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019         
[8] Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
[9] Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
[10] Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
[11] Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
[13] Hồng Chiêu (2023), “Hơn 4 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần trong 5 năm”. Link truy cập: https://vnexpress.net/hon-4-trieu-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-trong-5-nam-4578828.html

Các tin khác