1. Khái niệm và nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa xuất, nhập khẩu
Theo định nghĩa của Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1973, “Kiểm tra hàng hóa là việc cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa nhằm đảm bảo rằng tính chất, xuất xứ, điều kiện, số lượng và trị giá của hàng hóa phù hợp với những chi tiết đã khai trong Tờ khai hàng hóa”. Theo đó, kiểm tra thực tế có thể hiểu đơn giản là việc cơ quan Hải quan dùng nghiệp vụ kỹ thuật hải quan để kiểm tra tình trạng thực của hàng hóa, từ đó đối chiếu với Tờ khai hải quan và các chứng từ kèm theo để đảm bảo thi hành đúng pháp luật hiện hành.
Theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, nội dung kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu gồm có: “tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, khối lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hóa. Kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan.”
2. Cơ sở tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa xuất, nhập khẩu
Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Hải quan 2014, việc tiến hành kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở quản lý rủi ro. Theo đó, không phải bất cứ hàng hóa xuất, nhập khẩu nào cũng phải kiểm tra thực tế mà việc kiểm tra thực tế được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro do Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan thông báo (sau đây gọi là phân luồng tờ khai).[1]
Theo khoản 1 Điều 22 Thông tư 81/2019/TT-BTC, dựa trên cơ sở mức độ rủi ro[2] trong quá trình làm thủ tục hải quan và các thông tin nghiệp vụ hải quan, Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan sẽ phân luồng hàng hóa xuất, nhập khẩu thành: Luồng 1 (Xanh), Luồng 2 (Vàng) và Luồng 3 (Đỏ). Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định 1966/2015/QĐ-TCHQ, hàng hóa luồng xanh và luồng vàng được bỏ qua việc kiểm tra thực tế, trong khi đó hàng hóa luồng đỏ và hàng hóa từ luồng vàng sang luồng đỏ phải tiến hành kiểm tra thực tế trước khi tiến hành các bước tiếp theo của quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Để đảm bảo nguyên tắc kiểm tra hải quan, việc kiểm tra thực tế phải được tiến hành công khai, đúng địa điểm với sự có mặt của chủ đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan do thủ trưởng cơ quan hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định và chịu trách nhiệm trong các trường hợp được quy định trong Điều 34 Luật Hải quan 2014: (1) Để bảo vệ an ninh; (2) Để bảo vệ vệ sinh, môi trường, (3) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật; (4) Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu mà người khai hải quan không đến làm thủ tục hải quan; (5) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật Hải quan 2014 còn quy định những trường hợp hàng hóa xuất, nhập khẩu được miễn tra thực tế: (1) Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; (2) Hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh; (3) Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; (4) Hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên. Đối với các trường hợp (1), (2) và (3), cơ quan hải quan vẫn tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đối với trường hợp (4), ngoài tiến hành kiểm tra thực tế khi phát hiện vi phạm, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.[3]
3. Thời hạn kiểm tra thực tế hàng hóa, xuất nhập khẩu
Theo Điều 23 Luật Hải quan 2014, Cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan ngay sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình hồ sơ hải quan theo quy định của Luật này. Điểm b Điều luật này yêu cầu hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định. Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày.
4. Thẩm quyền quyết định kiểm tra thực tế với hàng hóa xuất nhập khẩu
Theo quy định tại Điều 29 khoản 2 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định này và thông tin liên quan đến hàng hóa để quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa.
- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa hoặc thủ trưởng cơ quan Hải quan quản lý địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung quyết định thay đổi mức độ, hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
5. Mức độ và hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa
Kiểm tra thực tế hàng hóa được tiến hành khi đủ cơ sở, xác định tính tổng quát, phù hợp của toàn bộ lô hàng với hồ sơ hải quan. Về mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa, khoản 3 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định: Việc kiểm tra thực tế được thực hiện cho đến khi đủ cơ sở để xác định tính hợp pháp, phù hợp của lô hàng. Theo quy định tại điểm b.1.2, khoản 1, Điều 8 Quyết định 1966/2015/QĐ-TCHQ, mức độ kiểm tra hàng hóa có thể là (P1) kiểm tra tỷ lệ hàng hóa hoặc (P2) kiểm tra toàn bộ hàng hóa.
Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm: Kiểm tra trực tiếp; Kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ hải quan khác; Kiểm tra thực tế thông qua kết quả phân tích, giám định hàng hóa; Kiểm tra bằng thiết bị soi chiếu, cân điện tử.[4]
Trần Đức Minh - Công ty Luật TNHH H&M
[1] Khoản 4, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu; nhập khẩu.
[2] Việc đánh giá mức độ rủi ro trong hoạt động xuất, nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan và các yếu tố liên quan được quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan và thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
[3] Điều 5 Thông tư 72/2015/TT-BTC ngày 12 tháng 05 năm 2015 của Bộ Tài chính về quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.
[4] Khoản 4 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan