I. Một số vấn đề lý luận về chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế Liên hợp quốc
1. Khái quát về Tòa án Công lý quốc tế
Tiền thân của Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) là Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (The Permanent Court of International Justice – PCIJ). Tòa PCIJ tồn tại cùng với sự tồn tại của Hội Quốc Liên cho tới khi Liên Hợp quốc được thành lập và ICJ ra đời thay thế cho PCIJ vào năm 1946.
Vai trò của Tòa án là giải quyết các tranh chấp pháp lý do các quốc gia đệ trình lên Tòa án và đưa ra ý kiến tư vấn về các câu hỏi pháp lý do các cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc hoặc các cơ quan chuyên môn đề cập đến. Tòa án quyết định các tranh chấp giữa các quốc gia, dựa trên sự tham gia tự nguyện của các Quốc gia liên quan. Nếu một Quốc gia đồng ý tham gia vào một thủ tục tố tụng, thì Quốc gia đó có nghĩa vụ tuân theo quyết định của Tòa án.
Tòa án Công lý Quốc tế bao gồm 15 thẩm phán được Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an bầu với nhiệm kỳ 9 năm. Các thẩm phán thường trực (bao gồm 15 vị với quốc tịch khác nhau) được ĐHĐ và HĐBA bầu với nhiệm kỳ 9 năm và cứ mỗi ba năm bầu lại 1/3 số thẩm phán. Với các vụ tranh chấp mà các quốc gia đã thoả thuận ủy quyền để Toà án quốc tế giải quyết, nếu một bên không chịu thi hành phán quyết do Toà án quốc tế đưa ra thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng bảo an can thiệp để phán quyết được tuân thủ. Các bản kết luận tư vấn của Toà án quốc tế không mang tính chất bắt buộc thi hành đối với các cơ quan, các tổ chức quốc tế đã yêu cầu Toà án quốc tế đưa ra các bản kết luận này vì về mặt pháp lí, nó chỉ thể hiện ý kiến tập thể của các thẩm phán quốc tế về vấn đề pháp luật nào đó.
2. Chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế Liên hợp quốc
Chức năng tư vấn pháp lý của Toà án quốc tế có thể được hiểu là việc Toà án đưa ra các ý kiến và câu trả lời đối với các câu hỏi pháp lý được đệ trình lên Tòa án và các ý kiến tư vấn này của Toà án không mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Việc cho phép các ý kiến tư vấn lần đầu tiên được quy định tại Điều 14 của Công ước Hội Quốc liên theo đó tuyên bố PCIJ có thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn về bất kỳ tranh chấp hoặc câu hỏi nào được Hội đồng hoặc Đại Hội đồng đề cập tới. Tại Hội nghị San Francisco, chức năng tư vấn của PCIJ được duy trì và mở rộng cho cơ quan tư pháp chính của LHQ là ICJ. Chức năng tư vấn của ICJ nhấn mạnh “mối liên hệ” giữa Tòa án và LHQ, vị trí của Tòa án trong LHQ được phản ánh qua việc thực hiện quyền tư vấn của mình.
Tầm quan trọng của chức năng tư vấn thể hiện qua thực tế là nó ảnh hưởng đến việc giải thích Luật Quốc tế hơn là chỉ đơn giản đưa ra ý kiến tư vấn cho các Quốc gia hoặc thực thể cụ thể. Do đó, các ý kiến tư vấn của Tòa án nếu được thực hiện hợp lý không chỉ hướng dẫn cơ quan yêu cầu mà còn có thể phục vụ lợi ích của cả cộng đồng quốc gia. Nhiều nguyên tắc Luật quốc tế ngày nay được coi là đương nhiên, chẳng hạn như quyền tự quyết, tư cách pháp nhân quốc tế của một số tổ chức quốc tế nhất định, quyền hạn đều được bắt đầu từ chức năng tư vấn.
Hơn nữa, quá trình tư vấn nếu được đưa ra vào đúng thời điểm sẽ trở thành công cụ ngoại giao phòng ngừa có hiệu quả vào giải quyết các tranh chấp. Chẳng hạn, xung đột giữa Israel và Palestine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế cho đến vụ việc “Wall” lần đầu tiên Tòa án có cơ hội đưa ra ý kiến về các vấn đề pháp lý liên quan đến địa vị của người dân Palestine như quyền tự quyết của họ, tình trạng các khu định cư của Israel và khả năng áp dụng luật trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Những ý kiến tư vấn của Tòa nhằm giúp đạt được giải pháp hòa bình và công bằng cho cuộc xung đột này.
II. Những vấn đề pháp lý về chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế Liên hợp quốc
1. Thẩm quyền tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế
Tòa án ICJ có quyền đưa ra ý kiến tư vấn theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế nhất định được quy định tại Điều 65 Quy chế ICJ và Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, hai yếu tố của thẩm quyền tư vấn đó là phải thực hiện bỏi cơ quan có thẩm quyền hợp pháp và câu hỏi đặt ra cho Tòa án để xin ý kiến phải là “câu hỏi pháp lý”. Tuy nhiên, cả Quy chế ICJ và Hiến chương Liên hợp quốc đều ngầm thừa nhận yếu tố thứ ba là người tiếp nhận ý kiến.
1.1. Về cơ quan có thẩm quyền hợp pháp hỏi ý kiến
Tòa ICJ có thể đưa ra ý kiến tư vấn khi có yêu cầu của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn được Đại hội đồng ủy quyền. Ngược lại, PCIJ chỉ có thể trả lời các yêu cầu cho ý kiến tư vấn về tranh chấp hoặc câu hỏi do Hội đồng hoặc Đại hội đồng của Liên đoàn các quốc gia đề cập. Có nhiều quan điểm về việc hai cơ quan ĐHĐ và HĐBA có quyền yêu cầu ý kiến tư vấn về bất kỳ câu hỏi pháp lý nào. Một số người cho rằng cả hai cơ quan đều có quyền tuyệt đối yêu cầu ý kiến tư vấn về bất kỳ câu hỏi pháp lý nào mà không có giới hạn. Tuy nhiên, cũng có quan điểm như Thẩm phán Higgins quan sát qua thực tiễn Đại hội đồng liên quan đến Vụ án Alvarez – Machain chỉ ra rằng ngay cả Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an cũng không thể quyết định yêu cầu ý kiến cố vấn trừ khi yêu cầu đó liên quan đến hoạt động của họ. Higgins nhấn mạnh rằng mặc dù cụm từ 'bất kỳ câu hỏi pháp lý nào' có thể rộng hơn so với cách xây dựng trong khoản 2 Điều 96 Hiến chương, nhưng ít nhất nó phải đề cập đến một câu hỏi pháp lý đang được xem xét trong LHQ. Bên cạnh đó, khoản 2 của Điều 96 Hiến chương LHQ đã trao cho Đại hội quyền ủy quyền cho các cơ quan khác của LHQ và các cơ quan chuyên môn thẩm định lại các ý kiến tư vấn về 'một vấn đề pháp lý nảy sinh trong phạm vi hoạt động của họ.'
1.2. Về câu hỏi pháp lý
Nếu một câu hỏi hoàn toàn mang tính chất chính trị thì về mặt lý thuyết Tòa án không có thẩm quyển và nên từ chối đưa ra ý kiến. Tòa án chỉ có thể đưa ra ý kiến tư vấn về một câu hỏi pháp lý, nếu đó không phải là một câu hỏi pháp lý, Tòa án không có quyền quyết định vấn đề trong đó. Tuy nhiên, trong một số án lệ của mình, Tòa án vẫn đưa ý kiến cho các vấn đề của Luật quốc tế kể cả nó có yếu tố chính trị hoặc thực tế. Ví dụ vụ án về tính hợp pháp của Đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân xuất phát từ yêu cầu cho ý kiến tư vấn của Đại hội đồng, khi cho rằng có tính chính trị. Ngoài ra, trong vụ việc “Wall” câu hỏi soạn thảo thiếu sự rõ ràng cũng không tước đi quyền đưa ý kiến tư vấn của Tòa án. Thay vào đó, sự không chắc chắn này càng cần thiết có những giải thích được Tòa đưa ra. Đối với các câu hỏi thực tế hoặc câu hỏi trừu tượng, một số quốc gia phản đối yêu cầu về ý kiến tư vấn tuy nhiên, theo quan điểm của Tòa án các câu hỏi thực tế và pháp lý có thể cùng tồn tại.
1.3. Về thẩm quyền tư vấn tùy thuộc vào quyết định của Tòa án
Khi thẩm quyền đưa ra ý kiến của mình bị phản đối, trước tiên Tòa án sẽ xem xét liệu mình có đủ thẩm quyền để quyết định vụ việc trước đó hay không. Nếu thấy rằng mình có quyền tài phán cần thiết, thì Tòa án sẽ xác định xem liệu họ có thực hiện quyền tài phán đó hay không hay từ chối làm như vậy. Chẳng hạn, trong Ý kiến tư vấn trong Vụ tính hợp pháp của việc xây dựng bức tường trên lãnh thổ chiếm đóng Palestine năm 2004 (Vụ “Wall”), Tòa ICJ đã đưa ra ý kiến của mình liên quan đến vấn đề này. Sau khi xác định Toà có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn đối với câu hỏi do Đại hội đồng đưa ra, Toà xem xét xem liệu có lý do xác đáng nào để từ chối cho ý kiến tư vấn hay không. Israel cho rằng Tòa nên từ chối cho ý kiến tư vấn với lý do nội dung câu hỏi mà Đại hội đồng đưa ra cho Tòa liên quan đến tranh chấp giữa Israel và Palestine, mà Israel chưa đồng ý với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa. Israel cho rằng nội dung câu hỏi là một phần bản chất của tranh chấp rộng lớn hơn giữa hai nước liên quan đến nhiều vấn đề như chủ nghĩa khủng bố, an ninh, biên giới, các khu định cư, vấn đề Jerusalem,… Lập luận của Israel đưa trên án lệ ý kiến tư vấn của Tòa PCIJ trong Vụ Quy chế vùng Đông Carelia năm 1923. Trong vụ này, Tòa PCIJ đã từ chối cho ý kiến tư vấn khi thấy rằng câu hỏi được đưa ra cho Tòa “liên quan trực tiếp đến điểm chính của tranh cãi giữa Phần Lan và Nga, và chỉ có thể giải quyết bằng việc điều tra chứng cứ liên quan đến vụ việc. Trả lời câu hỏi này sẽ thực chất tương đương với giải quyết tranh chấp giữa các bên.” Tòa sẽ có thể trả lời câu hỏi nếu Nga đồng ý và hợp tác thu thập chứng cứ cho Tòa. Tòa ICJ đã bác bỏ lập luận của Israel, dẫn chiếu chủ yếu đến Ý kiến tư vấn của mình trong Vụ giải thích Hiệp ước Hòa bình với Bulgaria, Hungaria và Rumania năm 1950 và Vụ Tây Sahara năm 1975.
2. Thủ tục thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế
Các thủ tục tư vấn trước Tòa án chỉ được mở đối với năm cơ quan của Liên hợp quốc và 16 cơ quan chuyên môn của gia đình Liên hợp quốc hoặc các tổ chức trực thuộc. Khi nhận được yêu cầu đưa ra ý kiến tư vấn, Tòa án phải tập hợp tất cả các dữ kiện và tổ chức các thủ tục. Một vài ngày sau khi yêu cầu được nộp, Tòa án sẽ lập một danh sách các Quốc gia và tổ chức quốc tế có khả năng cung cấp thông tin về câu hỏi trước Tòa. Các Quốc gia được lấy ý kiến không ở cùng vị trí với các bên tham gia tố tụng gây tranh cãi: đại diện của họ trước Tòa án không được coi là đại diện và việc họ tham gia vào các thủ tục tư vấn không làm cho ý kiến của Tòa án ràng buộc đối với họ. Thông thường các Quốc gia được liệt kê là các Quốc gia thành viên của tổ chức xin ý kiến.
Các thủ tục tư vấn kết thúc bằng việc đưa ra ý kiến tư vấn tại một cuộc họp công khai. Những ý kiến như vậy là tư vấn về mặt bản chất; nói cách khác, không giống như các phán quyết của Tòa án, chúng không có giá trị ràng buộc. Tuy nhiên, ý kiến tư vấn của Tòa án gắn liền với thẩm quyền và uy tín của Tòa án và quyết định của cơ quan hoặc cơ quan có liên quan xác nhận một ý kiến cũng giống như quyết định đó đã được luật pháp quốc tế chấp nhận.
3. Giá trị pháp lý của các ý kiến cố vấn
Thước đo thực sự về vai trò của chức năng tư vấn của ICJ không thể được xác định chỉ dựa trên số lượng các ý kiến tư vấn được đưa ra. Điều quan trọng hơn là việc Tòa án cung cấp các tuyên bố pháp luật có thẩm quyền, qua đó hỗ trợ sự phát triển của Luật quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các ý kiến tư vấn thông thường chỉ mang tính chất khuyến nghị, chứ không ràng buộc pháp lý. Về nguyên tắc, dù không có giá trị ràng buộc trong các ý kiến tư vấn của mình nhưng trên thực tế, tầm quan trọng của các ý kiến tư vấn của Tòa ICJ là điều không thể phủ nhận. Những tư vấn này còn có giá trị quan trọng trong việc tạo ra sự nhận thức đúng đắn, thống nhất cũng như đóng một vai trò quan trọng trong việc pháp điển hóa các quy định của pháp luật quốc tế hiện đại.
Tuy nhiên, không vì vậy mà đánh giá thấp giá trị ý kiến tư vấn của Toà. Trường hợp một quốc gia bất đồng với quan điểm của Toà ICJ về vấn đề pháp lý thì nó có thể không thực hiện theo khuyến nghị của Toà. Quốc gia đó sẽ tự đặt mình vào thế yếu nếu phản bác rằng ý kiến của Toà ICJ là không chính xác. Bởi đây là ý kiến của một cơ quan xét xử thiết yếu của LHQ về một câu hỏi pháp lý. Cần lưu ý rằng trong luật quốc tế, Toà ICJ không có thẩm quyền làm luật, mà chỉ có thể làm rõ, giải thích, áp dụng luật hiện có. Về bản chất, Toà áp dụng luật để trả lời câu hỏi pháp lý, vì vậy ý kiến của Toà đương nhiên có sức nặng nhất định.
4. Sự chấp thuận của các quốc gia
Thiếu sự đồng ý từ phía quốc gia là một trong những lập luận quan trọng phản đối thẩm quyền của Toà PCIJ và ICJ khi thực hiện chức năng tư vấn. Trong vụ Eastern Carelia trước Toà PCIJ năm 1923 liên quan tới tranh chấp vùng lãnh thổ Đông Carelia giữa Phần Lan và Liên bang Xô-viết gửi từ Hội đồng Hội Quốc Liên. Xô-viết, lúc bấy giờ chưa phải là thành viên của Hội Quốc Liên, đã phản đối thẩm quyền của Toà. Dù vậy, Toà PCIJ vẫn tiếp nhận yêu cầu tư vấn. Tương tự như vậy, Bulgaria, Hungary and Rumania trong vụ Peace Treaties cũng không phải là thành viên của LHQ tại thời điểm yêu cầu tư vấn và đều từ chối thẩm quyền tư vấn của Toà ICJ. Toà vẫn tuyên bố có thẩm quyền và đưa ra ý kiến tư vấn. Sự khác biệt cơ bản trong vụ việc này với vụ Eastern Carelia là câu hỏi tư vấn chỉ động chạm tới vấn đề thủ tục, chứ không liên quan tới nội dung tranh chấp. Nhiều học giả cho rằng sự chấp thuận của quốc gia liên quan không nên là rào cản đối với chức năng tư vấn của Toà bởi quốc gia đã gián tiếp chấp thuận thẩm quyền này khi phê chuẩn Hiến chương LHQ và Quy chế Toà ICJ.
Tới nay, Toà ICJ vẫn cho rằng ý kiến tư vấn sẽ không phù hợp với tính chất tư pháp của Toà nếu thiếu đi sự đồng ý từ phía quốc gia liên quan. Bởi quốc gia không có nghĩa vụ phải đưa tranh chấp của mình ra giải quyết trước bất kì cơ quan tư pháp nào. Do đó, đây tiếp tục là một trong những yếu tố cần xem xét khi Toà nhận được yêu cầu tư vấn. Trong vụ Palestinian Wall, Toà ICJ thừa nhận tồn tại các quan điểm trái chiều giữa Israel và Palestine liên quan tới hậu quả pháp lý của bức tường dựng lên bởi Israel trong lãnh thổ của Palestine. Tuy nhiên, Toà nhận thấy đây không chỉ đơn thuần là vấn đề xung đột giữa hai bên, mà còn ảnh hưởng tới an ninh và hoà bình thế giới. Vì vậy, đây trở thành mối quan ngại của LHQ nói chung. Toà ICJ tư vấn cho các cơ quan của LHQ, chứ không phải cho quốc gia. Với tư cách là cơ quan tư pháp thiết yếu của LHQ, Toà ICJ có trách nhiệm phải tham gia hoạt động vào tổ chức này nhằm hướng dẫn các cơ quan thực hiện các hoạt động chuyên môn của mình sao cho phù hợp với pháp luật quốc tế. Cơ chế tư vấn là một trong những phương thức như vậy. Cách tiếp cận này đã được Toà ICJ khẳng định trong vụ Namibia, Western Sahara, và Kosovo Declaration of Independence.
Như vậy, có thể rút ra được rằng dù Toà ICJ vẫn cân nhắc yếu tố ý chí của quốc gia liên quan, nhưng Toà sẽ ít có khả năng từ chối yêu cầu tư vấn nếu như câu hỏi tư vấn: (i) không động chạm tới nội dung tranh chấp giữa các quốc gia; hoặc (ii) liên quan tới tranh chấp có tác động tới an ninh và hoà bình quốc tế, can dự tới hoạt động, chức năng của các cơ quan trong LHQ.
III. Thực tiễn thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế Liên hợp quốc
1. Thành tựu đạt được qua quá trình thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế Liên hợp quốc
Tính đến thời điểm hiện nay, Tòa án Công lý quốc Tế đã cho ý kiến tư vấn cho 24 vụ việc tư vấn; trong đó, đông đảo nhất là theo yêu cầu của Đại hội đồng (16 vụ việc); Hội đồng bảo an (01 vụ việc); Hội đồng Kinh tế và Xã hội (02 vụ việc); Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (01 vụ việc); Tổ chức Sức khỏe thế giới (02 vụ việc); Quỹ quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (01 vụ việc); Tổ chức hàng hải quốc tế (01 vụ việc) .
Tòa ICJ đã đóng góp các ý kiến cố vấn để giải thích chủ yếu là Hiến chương Liên hợp quốc và các thỏa thuận giữa LHQ với các cơ quan chuyên môn hoặc đối với các quốc gia thành viên. Mặc dù ICJ không có quyền giải thích Hiến chương nhưng Tòa vẫn coi chức năng giải thích nằm trong chức năng tư pháp của mình. Tòa án đã thực hiện chức năng giải thích của mình không chỉ đối với các điều khoản của Hiến chương, mà còn đối với các điều ước khác ngoài Hiến chương, thỏa thuận giữa LHQ và các cơ quan chuyên môn hoặc đối với các quốc gia thành viên của họ, một số ý kiến tư vấn trước đây của Tòa.
Chức năng tư vấn để cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan chính trị của Liên hợp quốc, cụ thể là Đại hội đồng và Hội đồng bảo an về các vấn đề pháp lý khó khăn hoặc tranh chấp liên quan đến quyền hạn, quyền tài phán hoặc chức năng của họ. Trong khi các điều khoản của Hiến chương phân loại quyền hạn và chức năng của Đại hội đồng và của Hội đồng Bảo an là độc quyền, đồng thời, hoặc liên hợp, nhưng trong thực tế, nhiều vấn đề đã nảy sinh ngoài sự phân bổ của các quyền hạn và chức năng này như được nêu trong điều lệ. Trên thực tế, các vấn đề đã nảy sinh do hoạt động chồng chéo của hai cơ quan chính trị, Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng. Ý kiến của ICJ về các chức năng độc quyền và đồng thời của các cơ quan này đã giúp ích trong việc chỉ ra các lĩnh vực trách nhiệm của Hội đồng và của Hội đồng.
2. Hạn chế thực hiện chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế Liên hợp quốc
Thứ nhất, các cơ quan chính trị có thể gặp khó khăn lớn trong việc đạt được số phiếu cần thiết để ủng hộ yêu cầu đưa ra ý kiến tư vấn. Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có thể phủ quyết yêu cầu đưa ra ý kiến cố vấn. Tương tự, tại Đại hội đồng các Quốc gia, bằng cách sử dụng quyền bỏ phiếu trắng hoặc biểu quyết chống, cũng có thể cản trở việc thực hiện thành công chức năng cố vấn. Không có quy định rõ ràng nào trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong Quy chế của ICJ hoặc trong Quy tắc của Tòa án về việc đa số được yêu cầu thông qua một nghị quyết để gửi câu hỏi cho Tòa án xin ý kiến tư vấn. Do đó, thủ tục bỏ phiếu phải được xác định phù hợp với các quy tắc chung điều chỉnh việc bỏ phiếu của cơ quan hữu quan.
Thứ hai, câu hỏi thường được nêu ra trong Đại hội đồng là làm thế nào để quyết định xem quyết định yêu cầu ý kiến cố vấn thuộc loại “các câu hỏi quan trọng” hay thuộc loại “các câu hỏi khác”. Trên thực tế, Đại hội đồng không cung cấp câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này, việc phân loại như “quan trọng”, “câu hỏi khác”, “thủ tục” và “phi thủ tục” không được xác định rõ ràng và còn hơi mơ hồ.
Thứ ba, thái độ tiêu cực của các quốc gia đối với tiếp thu các ý kiến tư vấn tồn tại từ lâu và đây là hệ quả của việc họ ưa thích các phương pháp giải quyết mà họ có thể kiểm soát như trọng tài, hòa giải, thương lượng, điều tra. Không thể không lưu ý rằng các cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là các cơ quan chính trị, đang hạn chế dần việc xin ý kiến tư vấn của Tòa án.
Thứ tư, các ý kiến tư vấn thông thường chỉ mang tính chất khuyến nghị, chứ không ràng buộc pháp lý. Nó chỉ thể hiện quan điểm của Toà ICJ về các nguyên tắc pháp lý quốc tế có liên quan tới câu hỏi, chứ không ràng buộc bất kì quốc gia hay cơ quan nào phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành động nhất định. Nói cách khác, giá trị của ý kiến nặng về tính lý thuyết hơn thực tiễn.
3. Một số định hướng phát triển chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế
Ngay cả khi một ý kiến của Tòa án không thể giải quyết được một vấn đề cụ thể, thì ý kiến tư vấn không nên bị coi là vô ích. Ý kiến của Tòa án trong các vụ án Namibia và Tây Sahara không thể giải quyết các tranh chấp đã buộc phải chuyển đến Tòa án, nhưng các ý kiến này đã cung cấp cho quốc tế và những người ra quyết định những quan điểm rất có giá trị và sâu sắc về các vấn đề pháp lý quốc tế khác nhau.
Do đó, cần thay đổi nhận thức về chức năng tư vấn. Vai trò của chức năng này là làm rõ luật: “loại bỏ những điểm mơ hồ và cung cấp hướng dẫn cho hành vi trong tương lai của các bên.” Từ góc độ này, có thể nói chức năng cố vấn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ LHQ. Kể từ San Francisco, chức năng tư vấn đã chứng tỏ là một công cụ thành công trong việc cung cấp các ý kiến pháp lý có thẩm quyền nhằm hỗ trợ LHQ và các cơ quan của tổ chức này thực hiện các mục tiêu của Tổ chức. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng vẫn cần được cải thiện.
Các cơ quan của Liên hợp quốc phải đặt niềm tin hoàn toàn vào chức năng tư vấn của Tòa án như một phương tiện cuối cùng để quyết định các câu hỏi pháp lý quan trọng kể cả có các kênh khác giải quyết các vấn đề pháp lý. Điều cần thiết trong bối cảnh này là sự hợp tác để đạt được hiệu quả thực hiện chức năng giữa Tòa án và các cơ quan chính trị của LHQ phụ thuộc phần lớn vào sự phối hợp của họ để đạt được sự chia sẻ của họ các nhiệm vụ. Chức năng tư vấn chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi các 'khách hàng' của nó sẵn sàng phối hợp với. Sự phối hợp như vậy với các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các cơ quan chính trị sẽ tạo cơ hội cho Tòa án đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế bằng cách làm rõ các vấn đề pháp lý quan trọng.
Hải Minh - Công ty Luật TNHH H&M
Tài liệu tham khảo:
Văn bản pháp luật
1. Hiến chương Liên hợp quốc, Ký ngày 26/06/1945 tại San Francisco, Có hiệu lực ngày 24/10/1945
2. Quy chế Tòa án Quốc tế
3. Công ước Hội Quốc liên
Tài liệu tham khảo nước ngoài:
1. Mahasen M.Aljaghoub, “The Advisory Function of the International Court of Justice 1946 – 2005”, Springer
2. “Courts Access to International Court of Justice Advisory Opinion: Critique and Pro-posal”, 6 Hastings International and Comparative Law Review, 1983
3. Hugh Thirlway, The International Court of Justice, in Malcolm Evans (eds), International Law 4th edition (Oxford University Press, 2014)
4. Interpretation of Peace Treaties with Bulgaria, Hungary and Romania, Advisory Opinon, ICJ Reports (1949).
5. Rosenne, Shabtai, The World Court: What It Is and How It Works, Dordrecht, London: Martinus Nijhoff Publishers, 1995
6. Sohn, Louis B., “Peaceful Settlement of Disputes” in: Janis, Mark (ed.), International Courts for the Twenty-First Century, Dordrecht; Boston; London: Martinus Nijhoff Publishers, 1992
7. “Organs and agencies authorized to request advisory opinions”, https://www.icj-cij.org/en/organs-agencies-authorized
8. “How the Court Works”, https://www.icj-cij.org/en/how-the-court-works
9. “The International Court of Justice Advisory Opinion in the Nuclear Weapons Cases - A first appraisal”, INTERNATIONAL COMMITTEE OF THE RED CROS, https://www.icrc.org/en/doc/resources/documents/article/other/57jnft.htm
Tài liệu tham khảo Việt Nam
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình Luật quốc tế”, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2021
2. Học Viện quan hệ quốc tế, “Luật quốc tế”, Hà Nội – 2007
3. ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Th.S. Chu Mạnh Hùng, “Giáo trình Luật quốc tế”, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012
4. Đỗ Quí Hoàng & Nguyễn Tiến Đức, “Chức năng tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế và một số gợi mở đối với Việt Nam”, International Law & Diplomacy, https://iuscogens-vie.org/2018/04/10/70/#_ftn36 truy cập 07/06/2022
5. Trần Hữu Duy Minh, “Ranh giới giữa chức năng giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn của Tòa ICJ”, International Law & Diplomacy, https://iuscogens-vie.org/2018/01/14/57/ truy cập 07/6/2022
6. Nguyễn Hoàng Sa, “Chức Năng Tư Vấn của Toà Án Công Lý Quốc Tế cho Tranh Chấp Biển Đông – Bài Học từ Thực Tiễn Tranh Chấp Chủ Quyền Quần Đảo Chagos”, Dự án Đại sự ký biển Đông, https://dskbd.org/2017/10/14/working-paper-chuc-nang-tu-van-cua-toa-an-cong-ly-quoc-te-cho-tranh-chap-bien-dong-bai-hoc-tu-thuc-tien-tranh-chap-chu-quyen-quan-dao-chagos/#_ftn7 truy cập 07/6/2022
7. Phạm Ngọc Minh Trang, “Thẩm quyền tư vấn pháp lý của các cơ quan tài phán quốc tế và sự lựa chọn cho vấn đề đảo nhân tạo tại biển Đông”, Nghiên cứu Lập pháp, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208310 truy cập 07/6/2022