Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, Việt Nam đã được 69 quốc gia công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế ở nước ta.[1] Mặt khác, hợp đồng lại là phương thức giao dịch chủ yếu của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường. Do đó, để can thiệp vào các quan hệ kinh tế thị trường, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng phát sinh giữa các chủ thể trong xã hội, trong đó phải kể đến Bộ luật Dân sự năm 2015 với các quy định về hợp đồng tương đối đầy đủ, chi tiết.
Tuy nhiên, mỗi loại hợp đồng khác nhau lại có những đặc điểm, tính chất cần được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật riêng bên cạnh những quy phạm pháp luật chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó phải kể đến hợp đồng mua bán hàng hoá giữa người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Thực tế, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với những quy phạm pháp luật bổ sung so với Bộ luật Dân sự nhằm điều chỉnh quan hệ hợp đồng nêu trên[2].
Bằng góc nhìn của kinh tế học pháp luật, có thể nhận thấy, khi nền kinh tế còn ở trình độ sơ khai, quan hệ dân sự chủ yếu là quan hệ mua bán hàng hoá giữa các cá nhân với nhau, khi đó hàng hoá ở dạng đơn giản, chất lượng dễ nhận biết và việc giao kết hợp đồng diễn ra không phức tạp. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, hàng hoá được sản xuất ngày càng nhiều, phức tạp và người tiêu dùng ngày càng khó đánh giá chất lượng hàng hoá bằng mắt thường. Các giao dịch dân sự mua bán hàng hoá giữa người tiêu dùng và thương nhân dần dần chuyển từ thế bình đẳng sang thế bất cân xứng, ở đó lợi thế nghiêng về phía nhà sản xuất.[3] Chính tình trạng bất cân xứng thông tin trong quan hệ mua bán hàng hoá giữa người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức kinh doanh như vừa nêu là lý do Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu được ban hành.
Bất cân xứng thông tin có thể được hiểu là tình trạng hai chủ thể có mối quan hệ hợp tác với nhau nhưng các thông tin liên quan tới lợi ích của các bên không được cung cấp một cách ngang bằng nhau. Bởi vậy, mặc dù hợp đồng là một sự tự do thoả thuận nhưng nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để bên mạnh hơn lấn át bên yếu thế hơn và gây thiệt hại lớn tới lợi ích chung của xã hội.[4] Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá giữa bên mua là người tiêu dùng và bên bán là các cá nhân, tổ chức kinh doanh, có thể nhận thấy bên bán bản chất là bên mạnh bởi nắm giữ và thường biết đầy đủ hơn về thông tin của hàng hoá. Còn bên mua được coi là bên yếu thế bởi việc thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Nếu theo Bộ luật Dân sự, mọi chủ thể đều bình đẳng với nhau trong các giao dịch, thì người tiêu dùng lại cần được ưu tiên hơn so với các cá nhân, tổ chức kinh doanh bởi họ có nhiều yếu thế hơn.[5] Chính vì vậy, pháp luật cần có các quy định đặc thù để đảm bảo sự cân bằng trong các quan hệ này, qua đó góp phần ổn định trật tự, bảo vệ lợi ích chung xã hội.
Nhìn chung, tính yếu thế của người tiêu dùng được thể hiện ở bốn khía cạnh quan trọng[6] như sau:
Một là yếu thế trong việc tiếp cận, xử lý và hiểu các thông tin về hàng hoá, dịch vụ trong quan hệ mua bán. Trong các giao dịch giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng không được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ cũng như do những hạn chế trong hiểu biết về chuyên môn, kỹ thuật thường không hiểu được đầy đủ về tính năng, công dụng, chất lượng, các rủi ro liên quan tới quá trình tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ khi so sánh với nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ.
Ví dụ cụ thể cho khía cạnh này chính là vụ việc về sản phẩm Nước tương Chinsu được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Việt Tiến (Vitecfood) bị Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố có hàm lượng 3-MCPD là một chất gây ung thư vượt ngưỡng tiêu chuẩn đến 5,27 lần vào tháng 8/2006.[7] Trong vụ việc trên, như bao hàng hoá, sản phẩm khác trên thị trường, người tiêu dùng cũng không được trực tiếp tham gia và quá trình sản xuất cũng như do những hạn chế về chuyên môn nên gần như không thể biết rằng sản phẩm Nước tương Chinsu có hàm lượng chất gây ung thư cao nếu không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hay điển hình trong những năm gần đây, có thể kể đến vụ việc hãng dược phẩm nổi tiếng Johnson & Johnson của mỹ bị cáo buộc các sản phẩm phấn rôm của hãng có chứa bột talc gây ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng[8], đặc biệt là trẻ em - đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.[9] Kết quả là người tiêu dùng phải chịu những rủi ro về sức khoẻ khi sử dụng những sản phẩm trên và luôn trong trạng thái tinh thần hoang mang vì không biết được rằng, liệu những sản phẩm khác mình đang sử dụng có an toàn hay không?
Hai là yếu thế trong việc đàm phán, thiết lập hợp đồng, giao dịch. Việc hoạt động thường, liên tục trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ trên thị trường đã giúp các cá nhân, tổ chức kinh doanh có kinh nghiệm hơn trong việc đàm phán, thiết lập hợp đồng, giao dịch so với người tiêu dùng.
Liên quan đến khía cạnh này, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 42/2021/AL ngày 24/02/2023 về quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thoả thuận trọng tài. Án lệ có nguồn là Bản án sơ thẩm số 54/2018/DS-ST ngày 16/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”. Theo nội dung án lệ, trong hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng có điều khoản lựa chọn Trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp nhưng khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khởi kiện ra Toà án Việt Nam. Trường hợp này, phải xác định người tiêu dùng không lựa chọn trọng tài và có quyền lựa chọn Toà án Việt Nam để giải quyết. Bởi hợp đồng khi đó thuộc loại hợp đồng mẫu được soạn sẵn do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra và người tiêu dùng khi không đồng ý thoả thuận trọng tài thì hoàn toàn có quyền yêu cầu Toà án giải quyết, phù hợp với quy định tại Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010[10] đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tranh chấp.
Ba là yếu thế về khả năng chi phối giá cả, các điều kiện kinh doanh, giao dịch trên thị trường. Thực tế hiện nay cho thấy, một số thị trường bị chi phối bởi một vài hoặc thậm chí là chỉ một thương nhân tiến hành kinh doanh trên thị trường đó như thị trường về xăng dầu, điện, nước,… Nếu không có sự can thiệp của nhà nước thông qua các quy định pháp luật đặc thù, các thương nhân trong trường hợp này với mong muốn tối đa hoá lợi nhuận sẽ rất dễ có những hành vi gây thiệt hại cho quyền lợi người tiêu dùng bằng việc áp đặt cho người tiêu dùng phải chịu những nghĩa vụ không hợp lý.
Chẳng hạn như đối với thị trường về xăng dầu ở nước ta, việc kinh doanh bị chi phối bởi một vài thương nhân nên rất dễ xảy ra những hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vừa qua, tại tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng trên địa và phát hiện hàng loạt những vi phạm như sử dụng phương tiện đo lường có chứng chỉ kiểm định hết liệu lực, mẫu xăng dầu đang bán có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng,…[11] Theo khảo sát của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay, số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo kết quả tổng kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% vi phạm về chất lượng.[12]
Bốn là khả năng về chịu rủi ro trong quá trình tiêu dùng sản phẩm. Trong quá trình sử dụng hàng hoá, dịch vụ, người tiêu dùng với tiềm lực tài chính có hạn, sẽ dễ rơi vào tình trạng khó khăn khi phải tự mình chi trả các khoản phí khắc phục rủi ro phát sinh. Khi người tiêu dùng không có lỗi trong việc phát sinh rủi ro, những khoản phí này nếu được chuyển sang cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh thì khả năng chi trả sẽ cao hơn.
Ngoài ra, tính yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức kinh doanh còn thể hiện qua việc người tiêu dùng hạn chế về hiểu biết pháp luật, hạn chế trong việc tiếp cận công lý hoặc không nắm bắt được các thông tin về uy tín của thương hiệu trên thị trường.
Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập kinh tế nhanh chóng đã làm phát sinh nhiều hình thức bán hàng mới, đặc biệt là bán hàng trực tuyến. Bên cạnh sự thuận tiện mà các hình thức bán hàng này mang lại, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn khi xác lập các giao dịch mua bán trực tuyến bởi việc tiếp cận với các thông tin về hàng hoá lúc này còn hạn chế hơn. Hay nói cách khác, tình trạng bất cân xứng thông tin trong trường hợp này thể hiện một cách rõ ràng hơn. Do đó, pháp luật cần có những quy định đặc thù để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi mua bán, sử dụng hàng hóa thông qua các phương thức bán hàng nói trên.
Như vậy, đặc tính bất cân xứng thông tin trong quan hệ giữa người tiêu dùng với các cá nhân, tổ chức kinh doanh cho thấy vai trò quan trọng của việc phải có sự can thiệp của các quy định pháp luật đặc thù trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bên cạnh những quy định chung trong Bộ luật Dân sự.
Nguyễn Thị Lan Hương - Công ty Luật TNHH H&M
[1] Nguồn:https://trungtamwto.vn/tin-tuc/10786-viet-nam-duoc-69-quoc-gia-cong-nhan-nen-kinh-te-thi-truong-co-hoi-thuc-day-thuong-mai-va-dau-tu#:~:text=ASEAN%20l%C3%A0%20th%E1%BB%B1c%20th%E1%BB%83%20kinh,n%E1%BB%81n%20kinh%20t%E1%BA%BF%20th%E1%BB%8B%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng.
[2] Xem thêm: Điều 1 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024).
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Nghiên cứu vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Hà Nội, tr.42.
[4] Mục 1 Phần II Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 04 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[5] Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Nghiên cứu pháp luật về quyền được cung cấp thông tin và bảo vệ thông tin của người tiêu dùng ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Hà Nội, tr. 44.
[6] Bộ Tư pháp (2008), Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội, tr.3
[7] Báo tuổi trẻ online (2007), “Nước tương chứa chất gây ung thư: Ai ém nhẹm thông tin vi phạm”, nguồn: https://tuoitre.vn/nuoc-tuong-chua-chat-gay-ung-thu-ai-em-nhem-thong-tin-vi-pham-201105.htm
[8] Báo tuổi trẻ online (2023), “Johnson & Johnson đề nghị trả 8,9 tỉ USD dàn xếp các vụ kiện phấn rôm”, nguồn: https://tuoitre.vn/johnson-johnson-de-nghi-tra-8-9-ti-usd-dan-xep-cac-vu-kien-phan-rom-20230405112453974.htm
[9] Theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), “người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…”, trong đó bao gồm “trẻ em theo quy định pháp luật về trẻ em”.
[10] Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về “Hiệu lực của điều khoản trọng tài quy định” quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”.