0240.73088281
Logo

Khái quát về tiền điện tử tại Việt Nam

1. Khái niệm về tiền điện tử
Hiện nay, tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong nền kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chính thức và cụ thể nào về tiền điện tử. Vì vậy mà các ngân hàng hay tổ chức tài chính đã có nhiều định nghĩa về tiền điện tử, cụ thể như sau:
Tiền điện tử được lưu trữ trên một thiết bị điện tử và được sử dụng trong thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức không phải là tổ chức phát hành. (Ngân hàng Trung ương Châu Âu)
Còn theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho rằng tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, theo đó thiết bị điện tử của khách hàng sẽ lưu trữ thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng.
Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia, tiền điện tử thỏa mãn các điều kiện sau thì được xem là phương tiện thanh toán: (i) được phát hành dựa trên cơ sở giá trị của số tiền mà khách hàng gửi tại tổ chức phát hành; (ii) giá trị của số tiền được lưu trữ dưới dạng phương tiện điện tử như máy chủ (server) hoặc chip; (iii) giá trị của số tiền được quản lý điện tử bởi tổ chức phát hành không phải là tiền gửi theo quy định trong Luật quản lý ngân hàng.
Đạo luật Dịch vụ Thanh toán của Nhật Bản định nghĩa tiền điện tử là công cụ thanh toán trả trước có thể được sử dụng để thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ.
Theo Đạo luật Doanh nghiệp năm 2001 của Australia, tiền điện tử thường được gọi là phương tiện lưu trữ giá trị được sử dụng để thanh toán.
Còn tại Việt Nam, căn cứ theo Khoản 12 Điều 3 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, thì “Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử”.
Nhìn chung thì mỗi một tổ chức hay một quốc gia đều có những cách tiếp cận, định nghĩa khác nhau về tiền điện tử.
2. Đặc điểm của tiền điện tử
Thứ nhất, tiền điện tử là giá trị tiền pháp định được số hóa và lưu trữ trên thiết bị điện tử. Tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới như tiền mã hóa hay tiền ảo mà là giá trị tương ứng với tiền pháp định của quốc gia, được khách hàng nạp trước vào tổ chức phát hành và sau đó lưu trữ trên phương tiện điện tử như: thẻ chip, điện thoại di động, ví điện tử. Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thì[1] tiền điện tử là “giá trị tiền được lưu trữ điện tử và được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện thanh toán”. Tại Việt Nam, theo Khoản 12 Điều 3 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy đinh về thanh toán không dùng tiền mặt, [2]tiền điện tử được hiểu là giá trị tiền Việt Nam đồng được lưu trữ trên phương tiện điện tử, phát hành trên cơ sở đối ứng với số tiền mà khách hàng trả trước cho các tổ chức được cấp phép.  
Thứ hai, tiền điện tử thỏa mãn đầy đủ ba chức năng cơ bản của tiền tệ[3]. Cũng giống như tiền mặt hoặc tiền gửi, tiền điện tử thực hiện đầy đủ ba chức năng kinh điển của tiền trong kinh tế học: (1) Chức năng lưu trữ giá trị: tiền điện tử cho phép người dùng lưu giữ tài sản dưới dạng số hóa trên các thiết bị điện tử như ví điện tử, điện thoại di động, hoặc thẻ chip. Giá trị được lưu giữ này có thể sử dụng ở thời điểm khác trong tương lai, không bị mất đi nếu người dùng không sử dụng ngay lập tức, miễn là thiết bị lưu trữ được bảo mật an toàn. Đây là một điểm tương đồng quan trọng với tiền mặt hoặc tài khoản tiền gửi. (2) Chức năng đơn vị hạch toán: tiền điện tử được định danh rõ ràng bằng tiền pháp định như Việt Nam đồng (VND), đô la Mỹ (USD) hoặc các đồng tiền hợp pháp khác. Điều này giúp người dùng có thể sử dụng tiền điện tử để xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ và ghi nhận các giao dịch một cách thống nhất trong hệ thống kế toán và tài chính. (3)Chức năng phương tiện trao đổi: tiền điện tử hiện được chấp nhận rộng rãi trong thanh toán tại các cửa hàng, website thương mại điện tử, ứng dụng di động và các điểm chấp nhận ví điện tử. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng tiền điện tử để chuyển tiền nhanh chóng giữa các tài khoản số, đáp ứng nhu cầu giao dịch linh hoạt trong nền kinh tế số.
Thứ ba, tiền điện tử chỉ tồn tại ở dạng kỹ thuật số và phụ thuộc hoàn toàn vào nền tảng công nghệ. Một trong những đặc điểm cốt lõi giúp phân biệt tiền điện tử với các hình thức tiền tệ truyền thống như tiền mặt là hình thái tồn tại thuần túy dưới dạng kỹ thuật số. Tiền điện tử không có dạng vật lý, không thể cầm nắm hay lưu trữ như tiền giấy hoặc tiền xu, mà tồn tại và được sử dụng hoàn toàn thông qua phương tiện điện tử, bao gồm cả thiết bị phần cứng (như thẻ chip, điện thoại thông minh) và phần mềm (như ứng dụng ví điện tử, hệ thống thanh toán số). Chính vì chỉ tồn tại trong môi trường số hóa, tiền điện tử phụ thuộc chặt chẽ vào nền tảng công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật số để vận hành, lưu trữ và bảo mật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch không dùng tiền mặt và thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và chống gian lận. Việc đảm bảo hệ thống ví điện tử, cổng thanh toán và dữ liệu người dùng không bị xâm nhập, đánh cắp hay giả mạo trở thành yếu tố then chốt để duy trì lòng tin vào tiền điện tử. Nhiều tổ chức quốc tế như OECD, World Bank và các cơ quan quản lý tài chính đã nhấn mạnh vai trò của an ninh mạng và tiêu chuẩn bảo mật trong việc phát triển tiền điện tử một cách bền vững và có kiểm soát.
Thứ tư, tiền điện tử không phải là tiền mã hóa hay tiền ảo. Việc phân biệt giữa tiền điện tử (electronic money), tiền mã hóa (cryptocurrency) và tiền ảo (virtual currency) là rất cần thiết trong bối cảnh các khái niệm này dễ bị nhầm lẫn. Tiền điện tử là phương tiện thanh toán hợp pháp hoặc được chấp nhận trong hệ thống thanh toán có giám sát. Tại Việt Nam, chỉ tiền điện tử được phát hành bởi các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được thừa nhận trong hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Thêm vào đó, ngoài ngân hàng thì tổ chức phi ngân hàng cũng có quyền phát hành tiền điện tử nhưng những chủ thể này phải đáp ứng những điều kiện khắt khe của NHTW về điều kiện thành lập, hoạt động, giám sát,... Những quy định này nhằm bảo đảm sự an toàn của cả hệ thống tài chính lẫn khách hàng.
Thứ năm, chủ thể phát hành tiền điện tử phải đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt. Theo thông lệ quốc tế và quy định tại Việt Nam, chỉ có tổ chức tài chính – ngân hàng hoặc trung gian thanh toán được cấp phép mới được phát hành tiền điện tử. Chẳng hạn, theo Đạo luật Dịch vụ thanh toán của Nhật Bản, tổ chức phát hành phải đăng ký và chịu sự giám sát của Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA)[4]. Tại Việt Nam, tổ chức phát hành tiền điện tử phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và giám sát chặt chẽ về vốn điều lệ, hạ tầng kỹ thuật, năng lực nhân sự và đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền[5].
Thứ sáu, tiền điện tử là phương tiện thanh toán hiện đại, gắn liền với nền kinh tế số. Tiền điện tử góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Tại nhiều quốc gia phát triển như Singapore, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, tiền điện tử không chỉ được ứng dụng rộng rãi mà còn được nhà nước khuyến khích thông qua việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và có kiểm soát. Ví dụ, Singapore triển khai Đạo luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act) nhằm quản lý và cấp phép cho các tổ chức cung cấp ví điện tử và các giải pháp thanh toán kỹ thuật số[6]; trong khi đó, EU thông qua Chỉ thị về dịch vụ thanh toán (PSD2) nhằm tăng cường cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực thanh toán điện tử.[7]. Tại Việt Nam, mặc dù hành lang pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng việc định nghĩa rõ tiền điện tử trong Nghị định 52/2024/NĐ-CP là bước tiến quan trọng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán hiện đại.
Lê Thị Kim Liên - Công ty Luật TNHH H&M

[1] European Central Bank, “Electronic Money: Current Use and Regulatory Issues”, ECB Report.
[2] Chính phủ. (2024). Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Hà Nội, Việt Nam
[3] European Central Bank. (1998). Report on electronic money và  International Monetary Fund. (2019). Fintech notes: The rise of digital money
[4] Financial Services Agency of Japan. (2009). Payment Services Act.
[5] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2023). Quy định về hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử
[6] Monetary Authority of Singapore. (2019). Payment Services Act.
[7] European Commission. (2018). Revised Payment Services Directive (PSD2)

Các tin khác